CHÚA THÌ ĐƯỢC, NHƯNG GIÁO HỘI THÌ KHÔNG? 

Chữ Giáo Hội trong tiếng Hi-lạp có nguyên nghĩa là : « Những kẻ thuộc về Chúa ». Nghĩa là Giáo Hội cũng thuộc chính Chúa ?

Đúng vậy. Ekklesia có nghĩa là chọn ra, những người được chọn ra. Trong nghĩa kĩ thuật của nó, từ ngữ đó muốn nói tới sự « hội họp », chữ này làm người ta liên tưởng tới cuộc họp dân chúng trong các chế độ dân chủ của các thành phố Hi-lạp xưa. Trong lối nói Ki-tô giáo, từ đó gợi nhắc cuộc họp ở núi Sinai, cuộc họp của dân Is-ra-en. Như vậy, nó có nghĩa là « những người được Chúa gọi lại với nhau », những người quy tụ nhau bên Ngài, thuộc về Ngài và biết rằng Ngài ở giữa họ.

Giáo Hội, như anh nói, như vậy là sở hữu đặc biệt của Chúa trên trần gian. Đàng sau Ekklesia còn tiềm ẩn nghĩa một đền thờ sống động, một đền thờ thuộc về Chúa cách đặc biệt. Người Ki-tô giáo long trọng xác tín một Thiên Chúa sống động, chứ Ngài không ở trong những tảng đá. Vì thế, đền thờ đích thực là những con người thuộc về Ngài và Ngài ở trong họ. Chữ Dân Thiên Chúa cũng có nghĩa là chiếm Chúa đặc biệt cho riêng mình – và rồi thể hiện tương quan chiếm hữu đó qua đời sống mình. 

Suốt chiều dài 2000 năm lịch sử Giáo Hội luôn phân rẽ. Hiện đã có trên dưới 300 Giáo Hội tin lành, chính thống và nhiều loại khác. Tại Hoa-kì có trên 1000 cộng đoàn báp-tít. Đối diện  với các Giáo Hội đó là Giáo Hội công giáo, lãnh đạo bởi giáo chủ Rô-ma, trước sau vẫn tự coi mình là Giáo Hội thật duy nhất. Cho dù phải trải qua nhiều khủng hoảng, phải nói Giáo Hội công giáo quả là tổ chức hoàn vũ nhất, lớn và thành công nhất trên thế giới, hiện có số tín hữu đông như chưa từng có trong lịch sử.

Tôi nghĩ, ta nên học tinh thần công đồng Vaticano II, để đừng vênh vang về sự khéo léo của tín hữu công giáo và đừng lạm dụng sự to lớn và đông đảo của tổ chức mình. Khi coi những điểm trên là sở hữu của mình và do khả năng mình làm nên, lúc đó có thể ta tự tách ra khỏi sự nối kết với Chúa, và tự nâng mình lên như một hội đoàn riêng với quyền lực riêng. Và như thế, thất bại có thể tới rất nhanh. Giáo Hội trong một quốc gia có thể rất mạnh về tổ chức, nhưng nếu đức tin gẫy đổ, sức mạnh tổ chức kia trước sau rồi cũng sớm đổ theo.

Chắc anh biết câu chuyện thời Trung cổ kể anh Do-thái du lịch tới Vatican, và đã xin rửa tội. Khi trở về, anh được một người biết rất rõ chuyện ở Vatican hỏi : « Anh hoàn toàn không biết những gì xẩy ra ở Vatican sao ». Anh trả lời : « Biết chứ, tôi biết tất cả những chuyện xấu xa xảy ra ở đó ».  « Vậy mà anh vẫn vào đạo. Vô lí thật ! » Anh Do-thái liền tiếp : « Vì thế mà tôi mới vào đạo. Bởi loạn đến cỡ đó mà Giáo Hội ấy vẫn đứng vững, thì tôi tin chắc phải có một bàn tay nào đó nâng đỡ ». Cũng có một câu chuyện khác : Một hôm Napoléon bảo, ông ta sẽ tiêu diệt Giáo Hội. Một Hồng Y liền đỡ lời : « Giáo Hội đó chúng tôi đã không phá được, huống hồ ngài ».

Tôi tin rằng, có một cái gì rất quan trọng trong những ngược đời đó. Thực tế, trong Giáo Hội công giáo đã không bao giờ thiếu những gương xấu ngoài sức tưởng tượng con người. Vậy mà nó vẫn trụ được, dù lắm khi cả trong nước mắt và kêu than. Nó vẫn tồn tại, vẫn tạo nên được những vị tử đạo và tín hữu lớn, những người sẵn sàng hiến thân đi truyền giáo, làm i tá, cô giáo ; điều đó cho thấy phải có một bàn tay nâng đỡ nó.

Những thành công của Giáo Hội, như thế, không phải là do công lao của ta, nhưng với công đồng Vatican II, chúng ta cũng được phép nói – dĩ nhiên trong các Giáo Hội và cộng đoàn khác cũng có nhiều cái sống động do Chúa làm - rằng, Giáo Hội hiện diện và tồn tại như một chủ thể thật. Nhưng chủ thể đó chỉ hiện diện và tồn tại nhờ Chúa, chứ không do con người.

Guardini có lần nói về ý nghĩa của Giáo Hội như vầy : « Giáo Hội phải là điểm tựa bất di dịch cho con người về chân lí tối hậu, phải là hình ảnh cuối cùng của sự toàn hảo và là những qui chuẩn rốt ráo cho việc định giá. Nó không được để đam mê dẫn vào lầm lạc, không được để chút tơ vương ích kỉ làm chao đảo tình cảm». Đòi hỏi có cao quá không?

Vâng, cao, nhưng mà đúng. Cho dù giáo sư ấy đã nói ra một cách cứng nhắc. Guardini là người rất thông hiểu, ông thích đặt những yêu cầu thật cao, và ông làm đúng. Chúng ta không được để cái đòi hỏi cao cả đó chìm đi trong những công thức thoả hiệp, rồi từ từ làm nó biến mất. Giáo Hội không thể hành động theo khẩu hiệu : « Ta làm được gì hay không làm được gì ? » Mục đích của Giáo Hội không phải là đi tìm những công thức thoả hiệp khả dĩ có, nhưng là giữ không để cho lời và í Chúa bị xuyên tạc – cho dù vì thế mà Giáo Hội thỉnh thoảng phải chống lại chính mình và chống lại những nhân sự rao giảng của mình.

Điều thánh Phao-lô viết trong lá thư tạm biệt gởi các linh mục ở Ê-phê-sô (lúc đó ngài đã biết mình có thể bị bắt ở Giê-ru-sa-lem) luôn đánh động tôi. Ngài tuyên bố, tôi đã loan báo cho anh em hay toàn bộ í muốn của Thiên Chúa. Tôi đã không dấu diếm anh em điều gì hoặc đã không tìm cách biến nó ra dễ dãi hơn. Tôi cũng đã không tìm cách đưa cho anh em công thức riêng của mình, nhưng đã công bố toàn bộ í muốn của Chúa cho anh em! Và Giáo Hội hiện hữu, trên thực tế, là vì mục đích đó. 

Có lẽ ngài đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ Giáo Hội. Có gì nơi Giáo Hội làm ngài khó chịu hay cả tức bực không?

Tôi quả chưa bao giờ nghĩ tới chuyện xa rời Giáo Hội, mà trái lại, Giáo Hội chính là quê hương sâu thẳm nhất của tôi. Từ ngày sinh ra, tôi đã hoà tan với nó, đến nỗi nếu không có nó, tôi như bị chặt ra từng đoạn, như bị tiêu vong. Dĩ nhiên, luôn có không nhiều thì ít những chuyện làm mình bực lòng. Trước hết là những chuyện ở Giáo Hội địa phương, rồi tới Giáo Hội hoàn vũ, nơi tôi đang làm việc. Bao lâu còn chung đụng với con người, bấy lâu còn có những chuyện khó chịu. Nhưng người ta cũng không bỏ gia đình mình, khi có chuyện bực lòng ; nhất là khi tình yêu nối kết gia đình còn mạnh hơn, khi tình yêu đó là nguyên lực đỡ nâng mình.

Với Giáo Hội cũng thế. Tôi hiểu rằng, không phải tôi có mặt trong Giáo Hội là vì người này hay người kia; tôi cũng biết, xưa nay đã có biết bao nhiêu lỗi lầm trong lịch sử, và trong Giáo Hội luôn có thể có những chuyện rắc rối. Nhưng tôi cũng biết, những chuyện đó không thể nào bóc đi được cái cốt lõi nơi Giáo Hội này. Đơn giản là vì cái cốt lõi đó đến từ một nơi nào hoàn toàn khác – và nó vẫn luôn mang lại giá trị mới. 

Trong cuốn tiểu thuyết « Cuộc diễn hành Radetzky », tác giả Joseph Roth viết : « Trong thế giới cằn cỗi này chỉ có Giáo Hội Rô-ma là kẻ duy nhất còn có mô hình. Vâng, ta có thể nói, là kẻ trao tặng mô hình… Bằng cách nó quy định tội lỗi, rồi lại tha những tội lỗi đó. Nó thành thật chấp nhận chuyện không ai là không tội lỗi : đó là cái nhân bản cao cả nhất nơi Giáo Hội này… Qua đó, Giáo Hội Rô-ma là chứng tá thu phục cho một khuynh hướng đẹp nhất, là biết xin lỗi, biết tha thứ ». Phải chăng Giáo Hội, theo bản chất, là một Giáo Hội của những kẻ tội lỗi ?

Hẳn nhiên là thế ! Như ta vừa thấy, Giáo Hội, dù có nhiều con cái tội lỗi, vẫn được Chúa gìn giữ. Một mặt, câu trích trên cho thấy một lối nhìn và một cách đánh giá thuần trần tục về Giáo Hội. Rằng Giáo Hội có một mô hình, nó cố giữ lấy mô hình đó, không chìm đi vào cái vô định, nó còn có thể nói lên được í Chúa, tất cả những điều đó quả rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nhìn Giáo Hội theo chiều kích lịch sử đó thôi, ta sẽ biến Chúa thành ra kẻ phục vụ mục tiêu của con người. Chính lúc đó, tuy ta vẫn muốn có một tôn giáo, nhưng ta lại coi Chúa chỉ còn như là một cấu trúc hỗ trợ nhằm nối kết con người và nối họ lại với Ngài.

Mặt khác, tôi không đồng í với câu, Giáo Hội công giáo quy định tội lỗi rồi lại tha thứ tội lỗi đó. Giáo Hội dĩ nhiên không sáng chế ra tội lỗi, nhưng Giáo Hội nhận ra í Chúa và phải nói lên í đó. Cái đúng của câu trích trên là Giáo Hội phải nói lên cái í cao cả, bó buộc và nghiêm khắc của Chúa, để con người biết nhìn ra giới hạn mình, và cũng đồng thời được thứ tha nhờ sự ủy-nhiệm tha tội của Giáo Hội.

Trên thực tế Giáo Hội có thể nói với con người: Ai muốn hoàn toàn tự mình trở nên tốt, ai tin rằng mình không cần sự tha thứ, người đó lầm. Vì như thế, người đó sẽ trở nên cố chấp, liều lĩnh, tự kiêu tự đại, và rốt cuộc sẽ thành bất nhân. Vấn đề là ta chẳng cần phải có cái kiêu hãnh đó. Mà tôi cũng chẳng buộc phải hoàn tất điều gì để có thể từ chối sự tha thứ. Trái lại, khi tôi cố gắng sống theo í Chúa, cố gắng hoà nhập í mình với í Chúa, thì ngay lúc đó tôi cũng biết là tôi được thứ tha.  Tôi là một thụ tạo có đủ khiêm tốn để chấp nhận rằng mình cần được tha thứ. Trong lối nhìn đó, khiêm tốn và tín cẩn là những đức tính làm con người thật sự trở nên người hơn.

« Chúa thì được, nhưng Giáo Hội thì không », câu nói đã trở nên như một thứ tuyên ngôn. Liên quan tới câu này, thánh Xi-pri-a-nô*, giám mục ở Karthago (200-258), nói: « Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi », bởi vì « ai không nhận Giáo Hội làm mẹ, thì cũng không thể nhận Chúa làm cha ». Câu nói ngày nay vẫn còn giá trị ?

Nếu vì đó mà bảo rằng tất cả những ai không phải là ki-tô hữu đều phải sa hoả ngục, thì câu trên không có giá trị. Nhưng câu trên muốn nói lên rằng, con người ta thế nào cũng cần có một người mẹ, cho dù mình không nhận ra mẹ đó ; đó là người mẹ cộng đoàn sinh mình ra trong đức tin và dẫn mình hướng tới Chúa.

Thánh Xi-pri-a-nô nói câu trên trong hoàn cảnh bị truy nã. Ngài muốn đề cập tới những người bỏ Giáo Hội vì sợ tử đạo, nhưng đồng thời vẫn tin rằng mình không bỏ Chúa và Đức Ki-tô. Ngài muốn nói với họ rằng, ai xa lìa cộng đoàn sống động, xa lìa thân thể sống động, thì người đó đang bỏ thuyền No-ê để nhảy xuống lũ lụt. Trong ý nghĩa đó, ngài muốn nói lên sự gắn bó không thể chia lìa giữa đức tin vào Đức Ki-tô và Giáo Hội.

Tôi không thể biến Đức Ki-tô thành vật tư hữu và chiếm riêng cho tôi. Thuộc về Đức Ki-tô không phải chỉ có mình tôi, mà còn cả cái bực bội do đồng đạo tôi gây nên nữa. Đức tin được trao vào cái chúng-tôi chung đó, chứ nó không hiện diện cho cá nhân. Nói câu trên, thánh Xi-pri-a-nô đã không sáng tạo ra một học thuyết nào về thái độ của Chúa đối với những người chưa biết Giáo Hội. Cả thánh Phao-lô, người luôn nhấn mạnh tới Giáo Hội, cũng đã nói, chúng ta trong Giáo Hội phải biết hành xử đúng, còn việc Chúa muốn làm gì với những người ở ngoài Giáo Hội, thì đó là chuyện của Ngài. Như vậy, cả thánh Phao-lô cũng không lập ra học thuyết nào về lối hành xử của Chúa đối với người ngoài. Nhưng ngài cho ta hay, ai được thấy mặt Chúa, người đó không thể kéo Ngài ra khỏi Giáo Hội được, kẻ đó phải sống với Ngài trong Giáo Hội. 

Vấn đề đó từ hơn hai ngàn năm nay vẫn luôn mang tính thời sự.

Có lẽ cho phép tôi thêm ít lời : Tình trạng ngày nay đã hơi khác đi một chút. Johann Baptist Metz* có lần nói, câu tuyên ngôn trên đây nay đã đổi thành : Tôn giáo thì được, nhưng Chúa thì không. Người ta muốn có một thứ tôn giáo nào đó, huyền bí hay là gì đó. Nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa cá thể có thể nói với tôi, biết tôi, đã dạy tôi một số điều, có thể đòi hỏi tôi, uốn sửa con người tôi. Nghĩa là người ta muốn giữ cảm thức tôn giáo, nhưng lại không muốn đặt mình vào một trói buộc thượng đế nào cả. Xem thế, ngày nay chúng ta thật ra đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa, chứ chẳng phải khủng hoảng về tôn giáo – bởi vì tôn giáo đang mọc lên như nấm. 

Sáng nay tôi muốn dự thánh lễ của các linh mục dòng tại Montecassino, nhưng đã vô nhà nguyện trễ vì tìm mãi không thấy lối vào. Nhà dòng này lớn mênh mông như một thành phố. Như một anh mù, tôi gõ hết cánh cửa này tới cửa khác, cũng chẳng gặp một ai để mà hỏi. Người ta có thể một mình tìm gặp Chúa, tìm gặp Giáo Hội được không ?

Chỉ đơn độc một mình thì chắc chắn không gặp. Và đây chính là cái cơ bản Ki-tô giáo (và cái cơ bản này cũng hàm chứa trong ý niệmGiáo Hội), nghĩa là liên hệ giữa ta với Chúa không chỉ là một liên hệ nội tâm, được hình thành từ cái Tôi và cái Anh/Chị, nhưng cũng là một cái được- nói-với, được- dẫn-dắt. Con đường tới Chúa và Giáo Hội đi ngang qua gặp gỡ. Giáo Hội là nơi, trong đó nhiều con người đi tìm và đã gặp đúng cửa. Tuy có nhiều người với bản tính khác nhau, nhưng thế nào trong đó cũng có người hợp với tôi và nói cho tôi biết được lời hay lẽ phải. 

Thiên Chúa luôn tới với con người qua con người. Cũng thế, chúng ta tới với Ngài qua con người, những con người được Ngài hướng dẫn. Qua họ, chính Ngài gặp ta và kéo ta tới với Ngài. Nếu như ta chỉ nhờ đọc sách thánh mà có thể tự nâng mình lên gặp được cái tối hậu, thì đó có lẽ là một chuyển động có tính cách triết học, trong đó vắng bóng yếu tố cộng đoàn, một yếu tố rất quan trọng của đức tin.  

Hoàng đế Rô-ma yêu cầu thánh Lô-ren-xô giao nộp tài sản của Giáo Hội. Chẳng bao lâu sau, thánh nhân xuất hiện trước mặt Hoàng đế, vừa chỉ vào đám dân nghèo thành phố vừa thưa: « Thưa ngài, đó là tài sản lớn nhất của Giáo Hội ». Lô-ren-xô đã phải chết vì hành vi này.

Kinh Thánh cho hay Đức Ki-tô xuất thân từ giới nghèo Do-thái. Sau 40 ngày sinh, mẹ Ngài dâng của lễ người nghèo. Và sách thánh cũng cho thấy, tâm hồn của chính những người nghèo luôn mở rộng. Họ không bị trăm ngàn thứ chung quanh che mất cái toàn thể. Mà vẫn luôn giữ được sự đơn sơ, tinh khiết, chân thật và nhân ái của tâm hồn, những đức tính giúp họ nhìn ra được điều người khác không thấy.

Dĩ nhiên, Giáo Hội cũng buộc phải cần những người trí thức. Giáo Hội cần những người sẵn sàng đóng góp trí lực. Giáo Hội cũng cần những người giàu đại độ, sẵn sàng dùng tài sản mình phục vụ cho thiện ích. Nhưng Giáo Hội cũng luôn sống nhờ vào niềm tin của những kẻ khiêm nhu theo Chúa. Trong ý nghĩa đó, tài sản thật sự của Giáo Hội là tập hợp những con người cần tình yêu và ban phát tình yêu : những kẻ đơn sơ có khả năng nhận biết chân lí, bởi vì họ, như Chúa nói, là những đứa trẻ. Họ là những người, qua bao vận hành lịch sử, vẫn giữ được điều nền tảng và tinh thần khiêm nhu cũng như yêu thương trong Giáo Hội. 

Giáo huấn dạy, lúc Đức Ki-tô tới cũng là ngày khởi đầu của « tận thế ». Nghĩa là « thời của Giáo Hội » bắt đầu, và nó sẽ kéo dài cho tới khi Chúa lại đến. Điều đó phải hiểu ra sao ? Nói khác đi, phải chăng hạnh phúc và đau khổ của địa cầu này và loài người trong đó gắn liền với hạnh phúc và đau khổ của Giáo Hội công giáo ? Hay nói rõ hơn : Nếu không có Giáo Hội với lời cầu kinh và công lao khó nhọc của nó, Thiên Chúa đã để cho thế giới tiêu tan từ lâu ?

Việc Chúa đã làm hay có thể làm, ta nên để ngỏ. Nhưng tôi tin rằng, Giáo Hội công giáo có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chuyển động lịch sử, điều này đã được thực nghiệm kiểm chứng. Nếu như đức tin của Giáo Hội sụp đổ, Giáo Hội chấp nhận phá sản và tuyên bố, chúng tôi đã lầm, thì hẳn sẽ xẩy ra một gãy đổ trong toàn bộ lịch sử và nhân loại, mà hậu quả sẽ không tài nào lường được.

Ta đã thấy sự liên hệ giữa khủng hoảng hậu công đồng và khủng hoảng của thập niên ´68. Có lẽ công đồng không phải là nguyên nhân của khủng hoảng ´68, nhưng rõ ràng nó là lực đẩy ghê gớm. Không ai còn phủ nhận tính chất bi thảm của biến cố đó. Mà ta chỉ mới thấy những gì có thể thấy được mà thôi. Anh có lí khi nói tới những chuyện sâu xa, như sức mạnh của cầu nguyện, của lòng tin, của tình yêu. Những thứ đó đã mang Chúa trở lại trần gian, để nhân loại được tỏa sáng đôi chút bởi ánh sáng Ngài. Nếu lực này biến mất, thế giới hẳn sẽ gặp thảm hoạ.